Trường THPT Phú Quốc

http://thptphuquoc.edu.vn


KINH NGHIỆM HỌC TỐT BỘ MÔN NGỮ VĂN

(Vương Khánh Linh, lớp 12C6 năm học 2019-2020, giải Ba HSG Tỉnh môn Văn)
  1. Không bỏ qua bước phân tích đề và lập ý. Đây là bước quan trọng để tránh việc viết lan man và lạc đề, cũng như đảm bảo cho bài văn “đi đúng hướng”.
 
  1. Chú ý đến tính logic của bài văn, về kết cấu cũng như cách lập luận. Trước khi có một bài văn hay, cần thiết phải có một bài văn đúng, sắp xếp các luận điểm, đảm bảo bố cục bài văn để không bị trừ điểm kĩ năng.
     
  2. Đối với NLVH: đọc nhiều tài liệu có liên quan đến các tác phẩm và các bài văn mẫu để học tập cách dùng từ, lời văn, và cách lập luận. Không phải ta sao chép lời văn của người khác, mà là ta học tập có chọn lọc những cái mới, cái hay, những ý tưởng hay góc nhìn khác từ bài văn của người khác để làm giàu thêm cho kiến thức và lời văn của mình
     
  3. Đối với NLXH: theo dõi báo chí, tin tức, thời sự để có những dẫn chứng sinh động.
     
  4. Cố gắng ghi nhớ một số danh ngôn, ca dao tục ngữ, nhận định văn học hay để áp dụng làm dẫn chứng tăng thêm sức thuyết phục cho bài văn. Điều này là vô cùng cần thiết vì khi đó bài văn sẽ có tính khách quan, cho người đọc thấy những thứ mình viết không chỉ là cái nhìn chủ quan, một chiều theo ý mình mà còn là suy nghĩ, quan điểm chung của những người khác có hiểu biết về vấn đề mà mình đang bàn luận.
     
  5. Tập viết nhiều để rèn tốc độ viết. Bởi nếu ta có nhiều ý nhưng viết quá chậm, ta sẽ không thể diễn đạt hết lời văn của mình. Không cần viết chữ quá đẹp, chú tâm quá nhiều đến cách trình bày nhưng nét chữ dễ nhìn, bài viết sạch đẹp là một lợi thế, tạo thiện cảm cho người chấm.
     
  6. Học cách viết mở bài sáng tạo để hấp dẫn người đọc, bởi mở bài là thứ đầu tiên chi phối đến cảm xúc của người đọc khi đọc một bài văn. Mở bài có hay thì người ta mới có hứng thú tiếp tục đọc những phần sau.
     
  7. Tâm lý tự tin, vững vàng. Phải tự tin vào bản thân mình, bình tĩnh viết bài và nhớ lại những gì mình đã được học và đã thực hành. Đừng để ý đến xung quanh, chỉ tuyệt đối tập trung vào bài viết của mình.
     
  8. Cố gắng để hiểu được ý nghĩa mà một tác phẩm muốn truyền tải, bởi “Văn học là nhân học”. Chỉ khi hiểu được ý nghĩa của tác phẩm, ta mới có hứng thú để tìm hiểu và học văn. Văn học là tiếng nói của cảm xúc, nên muốn viết được bài văn hay, ta cũng cần sự hứng thú và yêu thích đối với đề bài và đối với tác phẩm.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây