HƯỚNG DẪN TỰ HỌC MÔN NGỮ VĂN - LỚP 10 (TUẦN 3)

Thứ tư - 19/02/2020 02:54
CHUYỆN CHỨC PHÁN SỰ ĐỀN TẢN VIÊN
                                                                                                                            Nguyễn Dữ

I. KIẾN THỨC CHUNG
1. Tác giả, tác phẩm
a. Tác giả
- Nguyễn Dữ (?....?) sống vào khoảng thế kỉ XVI, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân (nay là huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).
- Xuất thân trong 1 gia đình khoa bảng (cha đỗ tiến sĩ đời Lê Thánh Tông).
- Thi đỗ và ra làm quan nhưng không lâu sau ông cáo quan về ở ẩn.
b. Tác phẩm: “Truyền kì mạn lục”
- Thể loại truyền kì: là thể văn xuôi trung đại, phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ, hoang đường.
- Dung lượng: gồm 20 truyện; viết bằng chữ Hán.
- Nội dung phản ánh hiện thực xã hội phong kiến đầy bất công đương thời. Bằng ngòi bút nhân đạo, tác giả khẳng định quan niệm sống“ lánh đục về trong” của bản thân và lớp trí thức ẩn dật cùng thời. Giá trị nhân bản của tác phẩm còn là tinh thần dân tộc, bộc lộ niềm tự hào nhân tài, văn hóa nước Việt.
- Tóm tắt  “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”:
“Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” kể về nhân vật Ngô Tử Văn (Ngô Soạn) một kẻ sĩ nổi tiếng khẳng khái, chính trực vốn không chịu được sự tác yêu quái của hồn một tên tướng bại trận phương bắc nên đã đốt đền của hắn, trừ hại cho dân. Tên hung thần đe dọa Tử Văn và kiện chàng ở âm phủ. Tử Văn được thổ thần mách bảo về tung tích và tội ác của tên tướng giặc, đồng thời bày cho chàng cách đối phó với hắn. Tử Văn bị bắt giải xuống âm ti. Đứng trước Diêm Vương, chàng đã không hề run sợ mà dũng cảm vạch trần mọi tội ác của tên hung thần. Có bằng chứng của thổ thần, mọi lời nói của Tử Văn được minh xác là sự thật. Cuối cùng công lý được thực thi: tên tướng giặc và bọn phán sự vô trách nhiệm bị trừng trị, thổ thần được phục chức, Tử Văn được sống lại. Sau đó nhờ thổ thần tiến cử Tử Văn được nhận chức phán sự đền Tản Viên chuyên trông coi việc xử án.
2. Nội dung cơ bản của “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”
a.Nhân vật Ngô Tử Văn:
- Tính cách: là cương trực, dũng cảm đấu tranh vì chính nghĩa (tình tiết, sự kiện…)
- Trước hết, tính cách Ngô Tử Văn thể hiện qua lời kể của tác giả: “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”.
- Hành động đốt đền tà:
- Ngay khi mới xuất hiện, tính cách Ngô Tử Văn đã bộc lộ khá rõ với thái độ không run sợ trước lời đe dọa của tên hung thần. Hành động của Tử Văn châm lửa đốt ngôi đền thiêng: “rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ khấn trời, rỗi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vẫn vung tay không cần gì cả”.
+ Phản ứng của Tử Văn trước thói xấu, thói ác nhanh chóng, mạnh mẽ, dứt khoát.
+ Hành động: “tắm gội sạch sẽ” trước khi đốt đền, “vung tay không cần gì cả” sau khi đốt đền chứng tỏ Tử Văn quyết đấu, quyết sống mái với kẻ gian tà, dù đối thủ của Tử Văn là kẻ nào cũng phải kinh sợ.
- Cuộc xử kiện ở Minh Ti:
- Ở chốn âm cung, do chỉ nghe bên nguyên, Diêm Vương - vị quan toà xử kiện, người cầm cán cân công lí - cũng đã có lúc tỏ ra hồ đồ.
+ Tử Văn gan dạ trước bọn quỷ Dạ Xoa nanh ác và quang cảnh đáng sợ nơi cõi âm.
+ Tử Văn tỏ thái độ cứng cỏi, bất khuất trước Diêm Vương đầy quyền lực.
+ Chàng không chỉ ‘kêu to”, khẳng định: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian”, mà còn dũng cảm vạch mặt tên bại tướng gian tà với lời lẽ “rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”. Chàng chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Cứ từng bước, Ngô Tử Văn đã đánh lui tất cả sự phản công, kháng cự của kẻ thù, cuối cùng đánh gục hoàn toàn viên tướng giặc.
- Ngô Tử Văn với sự kiên định chính nghĩa của mình đã chiến thắng gian tà mang lại ý nghĩa:
+ Giải trừ được hậu họa, đem lại an lành cho nhân dân;
+ Diệt từ tận gốc thế lực xâm lược tàn ác, làm sáng tỏ nỗi oan khuất và phục hồi danh vị cho Thổ thần nước Việt
- Nhận chức phán sự đền Tản viên
 Được tiến cử vào chức phán sự đền Tản Viên, đảm đương nhiệm vụ giữ gìn công lí.
b.  Ý nghĩa tư tưởng: Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
- Vạch trần bộ mặt gian tà của không ít kể đương quyền “quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược”.
+ Lên án một quan tham lại nhũng đương thời
+ Đồng thời còn tố cáo mạnh mẽ hiện thực xã hội với “rễ ác mọc lan, khó lòng lay động”, “vì tham của đút” mà bênh vực cho kẻ gian tà.
           + Lời nói tự nhiên của Tử Văn với Thổ công: “Sao mà nhiều thần quá vậy?”
- Tác giả đề cao phẩm chất người quân tử: Ngô Tử Văn là hình tượng tiêu biểu cho kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà.
- Nguyễn Dữ đã thể hiện sâu sắc tinh thần tự hào dân tộc: Viên Bách hộ họ Thôi khi sống đã thất bại nhục nhã trên đất Việt, lúc chết thành hồn ma lẩn quất làm điều dối trá, càn bậy, nên lại tiếp tục nếm  mùi thất bại. Phải chăng đó là số phận chung cho những tên xâm lược?
- Câu chuyện kết thúc với thắng lợi thuộc về Ngô Tử Văn: cội nguồn truyền thống nhân đạo và yêu nước của dân tộc Việt Nam chính nghĩa thắng gian tà, tinh thần dân tộc thắng ngoại xâm.
*Nghệ thuật:
- Sử dụng thành công yếu tố “ kì” và yếu tố “thực”: Câu chuyện li kì, nhiều chi tiết khác thường thu hút người đọc; những xung đột ngày càng căng thẳng, dẫn đến cao trào, kết thúc có hậu, kẻ ác đền tội, người thiện được phục hồi và đền đáp.
- Khắc hoạ tính cách nhân vật sâu sắc.
II. THỰC HÀNH
1. Trắc nghiệm
Câu 1:
Nhận xét nào không thể hiện đúng đặc điểm cốt truyện, kết cấu của tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên?
A. Mạch truyện phát triển theo nhiều hướng song cùng gặp nhau ở một điểm là tập trung thể hiện tư tưởng cốt lõi của tác phẩm: chính nghĩa chiến thắng gian tà.
B. Truyện được mở đầu bằng một sự kiện gây ấn tượng mạnh đối với người đọc.
C. Kết cấu của truyện rất giàu kịch tính với những tình tiết lôi cuốn.
D. Truyện được kết thúc có hậu theo truyền thống chuyện kể thời trung đại.
Câu 2:
Định nghĩa nào đúng với "chức Phán sự" trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ?
A. Quan đứng đầu một tổng.
B. Quan xem xét về các vụ kiện tụng, giúp việc cho người xử án.
C. Quan xét xử các vụ tranh chấp, kiện tụng thời xưa.
D. Quan quản hạt một địa phương.
Câu 3:
Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ là tác phẩm ra đời vào thế kỉ
A. XIV.                                                                   C. XV.
B. XVI.                                                                  D. XIII
Câu 4:
Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ, chi tiết nào đóng vai trò làm nền cho việc triển khai hàng loạt các chi tiết hoang đường, kì ảo?
A. Chi tiết tên Bách hộ đến đòi Tử Văn dựng trả ngôi đền.
B. Chi tiết Tử Văn thấy khó chịu, rồi nổi lên một con sốt nóng sốt rét sau khi đốt đền.
C. Chi tiết lũ quỷ Dạ Xoa đến dẫn Tử Văn xuống âm phủ.
D. Chi tiết viên Thổ công đến nói với Tử Văn sự thực.
Câu 5:
Trong văn học Việt Nam, cho đến thế kỷ XVI có hai tác phẩm nổi tiếng thuộc thể loại truyền kỳ là
A. Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) và Lan Trì kiến văn lục (Vũ Trinh)
B. Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) và Tân truyền kỳ lục (Phạm Quý Thích)
C. Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) và Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông)
D. Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) và Truyền kỳ tân phả (Đoàn Thị Điểm)
Câu 6:
Nhận xét nào dưới đây về Nguyễn Dữ là không chính xác?
A. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, từng đi thi và đã ra làm quan, nhưng không bao lâu thì từ quan lui về ở ẩn.
B. Ông là tác giả truyện truyền kì nổi tiếng nhất thời kì văn học trung đại Việt Nam.
C. Ông chưa rõ năm sinh, năm mất người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
D. Ông sống vào khoảng thế kỉ XVI.
Câu 7:
Tên tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ có nghĩa là
A. Tập sách ghi chép những chuyện kì lạ và được lưu truyền.
B. Tập sách ghi chép những chuyện hoang đường.
C. Tập sách ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ và được lưu truyền.
D. Tập sách ghi chép những chuyện kì lạ.
Câu 8:
Nhận định nào không chính xác về đặc điểm của thể loại truyền kì?
A. Sức hấp dẫn của các truyện truyền kì nằm ở sự kết hợp của hai yếu tố hiện thực và kì ảo.
B. Truyền kì là thể loại nội sinh, là sự sáng tạo độc đáo của văn học Việt Nam.
C. Truyện truyền kì thể hiện khả năng tưởng tượng phong phú và năng lực sáng tạo hư cấu của nhà văn.
D. Là thể loại tự sự dùng những yếu tố kì ảo làm phương thức phản ánh cuộc sống.
Câu 9:
Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ, Ngô Tử Văn đốt đền vì lí do gì?
A. Vì muốn diệt trừ kẻ giả danh là thần mà lại tác yêu tác quái trong dân gian.
B. Vì không tin vào điều mê tín, dị đoan.
C. Vì muốn thể hiện thái độ cao ngạo của mình.
D. Vì muốn giúp đỡ viên Thổ công.
Câu 10:
Dòng nào không nêu đúng đặc điểm của nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên?
A. Tác giả tập trung miêu tả chi tiết, sinh động đặc điểm ngoại hình nhân vật.
B. Tác giả đưa ra những đánh giá, nhận xét trực tiếp về phẩm chất của nhân vật.
C. Tác giả miêu tả thái độ, cử chỉ, hành động của nhân vật trước những sự kiện, tình huống cụ thể để làm nổi bật tính cách nhân vật.
D. Tác giả chú trọng xây dựng ngôn ngữ nhân vật để thể hiện đậm nét tính cách các nhân vật đó.
Đáp án
Câu 1: A                 Câu 6: A
Câu 2: B                 Câu 7: C
Câu 3: B                 Câu 8: A
Câu 4: B                 Câu 9: A
Câu 5: C                 Câu 10: A     
2. Lập dàn ý cho đề bài sau:
Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ.

                       
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây