HƯỚNG DẪN TỰ HỌC MÔN NGỮ VĂN - LỚP 11 (TUẦN 1 - 2)
Tổ Ngữ Văn
2020-02-19T03:08:33-05:00
2020-02-19T03:08:33-05:00
http://thptphuquoc.edu.vn/bai-viet-26/huong-dan-tu-hoc-mon-ngu-van-lop-11-337.html
/themes/default/images/no_image.gif
Trường THPT Phú Quốc
http://thptphuquoc.edu.vn/uploads/baner-thpt-phu-quoc.jpg
Thứ năm - 13/02/2020 05:53
HƯỚNG DẪN ÔN TẬP KIẾN THỨC CƠ BẢN
BÀI TRÀNG GIANG (HUY CẬN)
I. Giới thiệu chung:
Huy Cận là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông sáng tác ở cả hai giai đoạn trước và sau cách mạng tháng Tám ; ở giai đoạn nào cũng gặt hái nhiều thành công. Trước cách mạng, ông là một trong những đại biểu xuất sắc của phong trào Thơ mới với hồn thơ ảo não, “ buồn sầu động dưới đáy hồn nhân thế”. Thơ ông hàm súc, giàu chất suy tưởng, triết lí. “ Tràng giang” là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông trước CMT8.
Bài thơ được sáng tác vào mùa thu năm 1939, khi đó Huy Cận đang là sinh viên trường Cao đẳng Canh nông ở Hà Nội. Những chiều buồn, nhớ nhà, Huy Cận thường ra bến Chèm bên bờ sông Hồng ngắm nhìn dòng nước mênh mang. Bài thơ được khơi gợi cảm xúc từ đây. Tác phẩm được in trong tập “Lửa thiêng”, viết bằng thể thơ thất ngôn, gồm một câu đề từ và bốn khổ thơ. Nhan đề bài thơ là “Tràng giang”, cũng đồng nghĩa với “Trường giang”, nghĩa là “sông dài”. Nhưng việc điệp lại âm mở “ang” ở nhan đề tạo ra âm hưởng vang xa, không chỉ gợi ra con sông dài vô tận mà còn rộng lớn mênh mang. Nhan đề bài thơ gợi ra nhiều cảm xúc.
II. Đọc hiểu
Khổ một:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng”.
Ba câu thơ đầu mang đậm màu sắc cổ điển, vẽ ra hình ảnh con thuyền nhỏ lênh đênh trôi dạt trên dòng sông rộng lớn, mênh mông. Từ láy “điệp điệp”, “song song” ở cuối hai câu đầu mang đậm sắc thái cổ kính của Đường thi. Nó đầy sức gợi hình, gợi liên tưởng về những con sóng cứ loang ra, lan xa, gối lên nhau, miên man, miên man đến tận nơi nào. Không chỉ vậy, bằng phép đối giữa câu trên “buồn điệp điệp” với câu dưới “nước song song”, nhà thơ còn ngầm so sánh nỗi buồn của mình cũng trùng trùng, điệp điệp, triền miên, vô tận như những con sóng. Trên dòng sông ấy là một “con thuyền xuôi mái”, con thuyền không người lái, trôi vô định, lững lờ theo dòng nước. Hình ảnh con thuyền trôi nổi, đơn lẻ, vô định dường như càng trở nên bé nhỏ, mất hút đi giữa dòng sông sóng nước mênh mông, càng tô đậm nỗi buồn, sự cô đơn giữa không gian vô tận của nhà thơ. Ở câu ba, thuyền và nước vốn đi liền với nhau, thuyền trôi đi cùng với dòng nước, nước đẩy thuyền trôi theo; thế mà ở đây Huy Cận lại thấy thuyền và nước đang chia lìa, xa cách “thuyền về, nước lại”. Cảnh gợi ra sự cô đơn, xa vắng, chia lìa. Chính vì thế mà gợi ra trong lòng người nỗi “sầu trăm ngả”. Trăm ngả nước là trăm ngả sầu. Nỗi “buồn” tăng cấp thành nỗi “sầu” chất chứa, chẳng thể vơi được.
Câu thơ cuối khổ thơ mang nét hiện đại với một hình ảnh rất đời thường: một cành củi khô trôi dạt giữa “mấy dòng” nước. Phép đảo đưa hình ảnh “củi”, một sự vật bé nhỏ, tầm thường lên đầu câu làm nổi bật cái nhỏ nhoi của nó; và phép đối giữa “một” cành củi khô với “mấy” dòng nước càng nhấn mạnh hơn sự nhỏ nhoi, cô độc đến tội nghiệp của “cành củi khô” với dòng sông mênh mông vô tận. Hình ảnh này gợi liên tưởng đến kiếp người nhỏ bé, bơ vơ giữa dòng đời bất tận. Cả khổ thơ đầu, bằng sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và hiện đại, nghệ thuật đảo, đối và hệ thống từ ngữ giàu giá trị biểu cảm đã khắc họa bức
tranh thiên nhiên tràng giang rộng lớn vô tận, gợi cảm giác buồn, cô đơn, xa vắng, chia lìa và
thân phận của những kiếp người nhỏ bé, trôi nổi giữa dòng đời.
Khổ hai:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót,
Sông dài, trời rộng bến cô liêu.”
Hai từ láy “lơ thơ” và “đìu hiu” được tác giả khéo sắp xếp trên cùng một dòng thơ đã vẽ nên một quang cảnh vắng lặng. “Lơ thơ” gợi sự ít ỏi, nhỏ bé, thưa thớt, còn “đìu hiu” lại gợi sự quạnh quẽ. Tất cả gợi ra khung cảnh lạnh lẽo, tiêu điều, hoang vắng. Giữa khung cảnh ấy có lẽ con người càng trở nên đơn côi, rợn ngợp, đến độ thốt lên “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Chỉ một câu thơ mà mang nhiều sắc thái: vừa gợi “đâu đó”, âm thanh xa xôi, không rõ rệt; vừa có thể là câu hỏi “đâu…” như một nỗi niềm khao khát, mong mỏi của nhà thơ về một chút sự hoạt động, âm thanh sự sống của con người; lại cũng có thể là “đâu có…”, một sự phủ định hoàn toàn, chung quanh đây chẳng hề có chút gì sống động để xua bớt cái tịch liêu của thiên nhiên. Dù hiểu theo cách nào thì cũng vẫn là quang cảnh vắng lặng, hắt hiu. Ở câu ba, câu bốn, thiên nhiên càng mở rộng ra cả bốn chiều: cao, sâu, dài, rộng. “Nắng xuống, trời lên” gợi sự chuyển động, mở rộng về không gian, và gợi cả sự chia lìa, bởi dường như đất và trời ngày càng xa nhau hơn. Không gian trở nên “sâu chót vót”. Đây là cách diễn đạt mới mẻ, đầy sáng tạo của Huy Cận, nó mang nét đẹp hiện đại. Đôi mắt của nhà thơ không dừng lại ở bên ngoài của trời mây, nắng, mà như xuyên thấu vào đáy vũ trụ thăm thẳm, bao la, vô tận. Chưa hết, cõi không gian ấy không chỉ “cao”, “sâu” mà còn mở ra cả về chiều “dài”, chiều “rộng”: “sông dài, trời rộng”. Cõi thiên nhiên ấy quả là mênh mông, vô tận, còn những gì thuộc về con người lại bé nhỏ, cô đơn biết bao: “bến cô liêu”. “Cô liêu” cũng là “cô đơn”, nhưng phải là “cô liêu” thì mới diễn tả hết cái bé nhỏ, đơn độc đến tội nghiệp. Hình ảnh này gợi ra kiếp người cô đơn, quạnh hiu đến đáng thương. Với những nét vẽ mới: cồn nhỏ, gió đìu hiu, làng xa, trời sâu chót vót, bến cô liêu…bức tranh tràng giang không những không sống động hơn, mà càng chìm sâu vào tĩnh lặng, cô đơn, hiu quạnh.
Khổ ba:
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Hình ảnh cánh bèo trôi bồng bềnh trên sông là hình ảnh thường dùng trong thơ cổ điển, nó gợi lên sự bấp bênh, nổi trôi của kiếp người vô định giữa dòng đời. Nhưng trong thơ Huy Cận không phải là một cánh bèo, mà là “hàng nối hàng”. Bèo trôi hàng hàng càng gợi ra sự rợn ngợp trước thiên nhiên, cõi lòng như càng đau đớn, cô đơn. Giữa không gian tràng giang mênh mông đó không hề có con người, không có chút sinh hoạt của con người, không có sự giao hòa, nối kết: “Không một chuyến đò ngang”, “không cầu” để nối hai bờ sông rộng lớn, hoang vắng, thê lương. Cấu trúc phủ định “không…không…” phủ định hoàn toàn những kết nối của con người. Cầu hay chuyến đò ngang, phương tiện giao kết của con người dường như đã bị cõi thiên nhiên nhấn chìm, trôi đi tận nơi nào. Không có gì kéo con người ra khỏi nỗi cô đơn đang bao trùm, vẫn chỉ có dòng tràng giang rộng lớn mênh mông. Bên cạnh “hàng nối hàng” của cánh bèo là “bờ xanh tiếp bãi vàng”. “Bờ xanh” “lặng lẽ” tiếp với “bãi vàng”, thiên nhiên nối tiếp thiên nhiên, không gian càng bao la, vô cùng vô tận. Cảnh có thêm màu sắc nhưng chỉ càng buồn hơn, chia lìa hơn.
Khổ bốn:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
Hai câu thơ đầu là bức tranh phong cảnh kì vĩ, nên thơ. Cảnh được gợi lên bởi bút pháp nghệ thuật cổ điển với hình ảnh mây trắng, cánh chim chiều. “Mây cao” chồng chất tầng tầng “lớp lớp”, đang “đùn” thành “núi bạc”. Những núi mây trắng được ánh nắng chiếu vào như dát bạc, hình ảnh thơ mang nét đẹp cổ điển, vừa kì vĩ, tráng lệ, vừa nên thơ. Có lẽ, câu thơ được khơi nguồn cảm hứng từ một tứ thơ Đường của Đỗ Phủ:
“Mặt đất mây đùn cửa ải xa”.
Huy Cận đã vận dụng tài tình động từ “đùn”, khiến mây như chuyển động, có nội lực từ bên trong, từng lớp, từng lớp mây cứ đùn ra mãi. Giữa khung cảnh rộng lớn, tráng lệ ấy xuất hiện một cánh chim chiều – một hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ, thường để báo hiệu thời gian chiều tối. Tuy nhiên, trong câu thơ của Huy Cận, nó không chỉ là báo hiệu thời gian, mà còn gợi ra không gian bao la vô cùng, vô tận bởi hình ảnh cánh chim nhỏ được đặt trong sự tương phản với không gian mây cao, núi bạc. Hình ảnh cánh chim nghiêng lệch chở nặng ráng chiều càng gợi ra hình ảnh thi nhân cảm thấy mình bé nhỏ, cô đơn, bất lực trước thời cuộc. Nét tâm trạng này dọc theo toàn bài thơ, không phải chỉ riêng của Huy Cận, mà nó là tâm trạng chung, là “nỗi buồn thế hệ” của các nhà Thơ mới.
Tâm trạng của nhà thơ bộc lộ rõ nét hơn trong hai câu cuối. “Dợn dợn” là từ láy nguyên rất sáng tạo của Huy Cận. Từ láy này đi cùng với cụm từ “vời con nước” cho thấy một nỗi niềm bâng khuâng, cô đơn của “lòng quê”. Nỗi niềm đó là nỗi niềm nhớ quê hương. Đó là nỗi niềm của một người con mất nước: nhớ quê hương ngay khi đang đứng giữa quê hương, khi quê hương đã không còn. Đây cũng là tâm trạng chung của các nhà Thơ mới lúc bấy giờ. Câu thơ cuối được gợi từ câu thơ cổ của Thôi Hiệu trong bài thơ “Lầu Hoàng Hạc” (Hoàng Hạc lâu):
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.
Xưa, Thôi Hiệu nhìn khói sóng thì buồn, nhớ quê nhà, còn nay, Huy Cận không cần tác động của ngoại cảnh mà vẫn “nhớ nhà”, bởi nỗi nhớ đó da diết lắm, sâu sắc lắm. Trong lòng thi nhân luôn thường trực nỗi nhớ ấy. Thế mới biết tấm lòng yêu quê hương tha thiết của nhà thơ, mới hiểu được “Tràng giang” là bài thơ “dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc” (Xuân Diệu).
III. Kết luận:
1/ Nghệ thuật:
- Sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và hiện đại.
- Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm…
2/ Ý nghĩa
Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên; nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khát khao hòa nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả.
IV. Luyện tập:
Anh/ chị hãy cảm nhận khổ thơ đầu của bài thơ “Tràng giang” (Huy Cận).
BÀI “ ĐÂY THÔN VĨ DẠ” (HÀN MẶC TỬ)
I. Phần tiểu dẫn:
Các em cần khắc sâu về cuộc đời, con người Hàn Mặc Tử; cảm hứng cho sự ra đời bài thơ.
- Hàn Mặc Tử: một cuộc đời quá ngắn ngủi, bi thương nên luôn khát khao giao cảm với cuộc sống một cách mãnh liệt theo một cách riêng. Hồn thơ Hàn MặcTử luôn quằn quại đau đớn, dường như có một cuộc vật lộn và giằng xé dữ dội giữa linh hồn và xác thịt. Linh hồn muốn thoát khỏi xác phàm để bay tới cõi siêu nhiên sáng láng, thơm tho tinh khiết, nhưng thực ra vẫn gắn bó với cuộc đời, với con người bằng tình yêu trần thế.Trong một thời gian hữu hạn nhưng nhà thơ lại muốn ôm trọn cuộc sống này do vậy ông tự tạo cho mình một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái. Và trong thế giới đó thi sĩ nhiều khi lại sáng tạo nên những hình ảnh tuyệt mỹ và hồn nhiên trong trẻo lạ thường.
- Hàn Mặc Tử: một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào Thơ mới. Làm thơ từ tuổi mười bốn, mười lăm và chỉ có mười mấy năm “kết duyên” với Thơ mới, Hàn Mặc Tử đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người yêu thơ Việt Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”.
- Cảm hứng cho sự bài thơ (các em xem Sgk trang 38; đọc thêm tư liệu mạng về cuộc đời, mối tình Hàn Mặc Tử để hiểu hơn vấn đề).
II. Đọc hiểu: Các em nên tiếp cận theo từng khổ thơ.
Khổ 1: Ở khổ này, các em chỉ cần trả lời các câu hỏi sau để khái quát được vấn đề:
- Câu hỏi tu từ mở đầu bài thơ là lời của ai? Ý nghĩa gì?
- Trong hoài niệm, vẻ đẹp cảnh sắc thiên nhiên, con người Vĩ Dạ hiện lên như thế nào?
Khổ 2: Hình ảnh gió – mây chia lìa; dòng nước buồn thiu; thuyền,bến, sông, trăng – không gian lung linh, huyền ảo; câu hỏi tu từ thể hiện cảm xúc gì trong lòng thi nhân?
Khổ 3: Nếu khổ đầu là không gian cõi thực và ở khổ hai không gian vừa thực vừa huyền ảo, lung linh thì ở khổ cuối hoàn toàn không gian cõi mộng. Các em cần chú ý phân tích: điệp ngữ “ khách đường xa”; “ áo em”; “ở đây sương khói mờ nhân ảnh”; câu hỏi tu từ đầy day dứt cuối bài thơ.
III. Tổng kết:
1. Nội dung:
- Thiên nhiên, con người Vĩ Dạ hiện lên thật gần gũi, thật đẹp và duyên dáng trong bài thơ, đặc biệt là khổ một.
- Tác phẩm chính là sự bày tỏ tình yêu quê hương, con người xứ Huế mộng mơ của chính tác giả. Niềm khát khao sống, giao cảm với đời của nhân vật trữ tình ẩn trong mỗi đoạn thơ.
2. Nghệ thuật:
- Mạch thơ đứt nối không theo tính liên tục của thời gian và duy nhất của không gian nhưng lại diễn tả mạch vận động nhất quán của dòng tâm tư.
- Hình ảnh độc đáo giàu sức gợi, ngôn ngữ cực tả trong sáng, súc tích khiến cho trường liên tưởng được mở rộng, khung cảnh thiên nhiên trở nên đẫy đà, giàu sức sống để nhấn mạnh hơn khao khát sống của người nghệ sĩ.
- Sử dụng hàng lọat câu hỏi tu từ, giọng điệu da diết khắc khoải khiến cho bài thơ đọng lại trong lòng người đọc là một nỗi băn khoăn, day dứt về cuộc đời.
IV. Luyện tập
Hãy cảm nhận về một khổ thơ mà anh/ chị thích nhất trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.