PHƯƠNG PHÁP HỌC TỐT MÔN SINH HỌC
phamtien
2021-08-12T21:31:51-04:00
2021-08-12T21:31:51-04:00
http://thptphuquoc.edu.vn/phuong-phap-hoc-tap/phuong-phap-hoc-tot-mon-sinh-hoc-513.html
http://thptphuquoc.edu.vn/uploads/news/2018_09/image-20180915190558-1.jpeg
Trường THPT Phú Quốc
http://thptphuquoc.edu.vn/uploads/baner-thpt-phu-quoc.jpg
Thứ năm - 12/08/2021 08:07
Trần Văn Quốc Bình - Tổ phó tổ Hóa-Sinh
Nhiều người cho rằng Sinh học là một môn học thuộc lòng không có gì sáng tạo, một số khác lại cho rằng đây là môn học khó vì kiến thức rộng rất khó nhớ và đặc biệt là thi khó đạt được điểm cao (nhất là điểm tối đa). Những nhận xét trên đều có phần đúng và không đúng.
- Thứ nhất, sinh học là một môn khoa học ứng dụng vì thế nếu muốn học giỏi môn học này người học cần phải nắm vững kiến thức cả các môn học khác như toán, hoá và lí và vì thế rất cần cách học thông minh, sáng tạo. Tuy nhiên, cũng như các môn học khác người học cần phải hiểu bản chất và học cách vận dụng kiến thức chứ không phải chỉ biết học thuộc lòng một cách máy móc.
- Thứ hai, sinh học là khoa học nghiên cứu về sự sống nên kiến thức rất rộng bao gồm từ mức độ phân tử đến tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã và hệ sinh thái. Vì thế muốn nắm bắt được những nguyên lí cơ bản của sự sống cần phải biết cách học, biết cách liên hệ kiến thức của các phần lại với nhau, biết nhìn nhận các mức độ tổ chức của sự sống như những hệ thống mở luôn tự điều chỉnh để thích nghi với môi trường không ngừng biến đổi. Nếu chỉ biết học thuộc lòng mà không tìm hiểu các khái niệm, hiện tương một cách thấu đáo nên khi đi thi gặp các câu hỏi vận dụng đôi chút học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn trong trả lời.
Sau đây các em có thể xem xét cách học và ôn tập môn sinh học thế nào sao cho có hiệu quả cao. Trước hết khi ôn tập cần lưu ý các điều sau đây:
1. Những điều nên tránh khi học môn Sinh
- Không nên học thuộc lòng cả bài cả chương theo như sách giáo khoa.
- Không nên ỷ nại vào thầy/cô. Phải có tinh thần tự học là chính.
- Không nên quá chú trọng vào việc tìm những câu hỏi khó, quá lắt léo hoặc toán hoá sinh học một cách máy móc mà bỏ qua các câu hỏi nhằm kiểm tra các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
- Tránh đi vào chi tiết mà không quan tâm đến tổng thể.
2. Những điều nên làm khi ôn tập
- Hãy tự kiểm tra xem mình nắm được kiến thức đến mức nào bằng cách làm các bài kiểm tra mini test sau mỗi bài học.
- Học theo chủ đề mà không học theo các câu hỏi cụ thể. Các chủ đề lớn lại được chia nhỏ thành các đơn vị kiến thức.
- Đối với mỗi đơn vị kiến thức cần học theo cách: Nắm chắc khái niệm, cơ chế, ý nghĩa, ví dụ.
- Ôn tập theo thứ tự ưu tiên.
- Liên hệ vận dụng kiến thức:
3. Học như thế nào?
Có thể nói một cách ngắn gọn, học là một quá trình thu thập thông tin, xử lý thông tin và lưu trữ thông tin để rồi cuối cùng là tái hiện lại thông tin khi cần thiết. Sau đây thầy sẽ phân tích kỹ cho các em thấy các bước này cần được thực hiện ra sao với các ví dụ minh hoạ cụ thể.
Bước 1: Thu thập thông tin
Kiến thức mà các em cần thu thập (thông tin) đã có sẵn trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, không nên cố học thuộc lòng cả bài như cách sách giáo khoa đã trình bày mà các em hãy lựa chọn ra những thông tin quan trọng cần ghi nhớ.
Bước 2: Xử lý thông tin
Chúng ta không nên cố ghi nhớ thông tin khi không biết thông tin đó có ý nghĩa gì. Chúng ta phải tự mình đặt ra các câu hỏi như: Tại sao lại như thế? Cái này dùng để làm gì? Có ý nghĩa gì?
Bước 3: Lưu trữ thông tin
Lưu trữ thông tin có thể thực hiện dưới hai hình thức:
- Lưu trữ ở “bộ nhớ ngoài”: Đây thực chất là chúng ta ghi thông tin một cách tóm tắt và có hệ thống vào vở ghi của mình. Ta có thể tự tìm cách sắp xếp thông tin theo cách riêng của mình miễn là cách đó giúp ta nhớ tốt thông tin hoặc nếu cần ta có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, khoa học nhất.
- Ghi nhớ thông tin: Đây chính là quá trình ta tìm cách nhớ tất cả các thông tin vào trong bộ óc của mình (bộ nhớ trong). Như trên đã trình bày, nhớ thông tin không phải là khó, cái khó chính là làm sao để nhớ lâu và đặc biệt là làm sao để lúc cần thiết ta có thể lấy ra thông tin một cách nhanh nhất (tái hiện lại thông tin nhanh nhất).
Tóm lại: Cần ôn tập theo kiểu hệ thống hoá kiến thức đi từ tổng thể tới chi tiết. Trong từng phần cụ thể lại đi từ khái niệm cơ bản đến cơ chế, qui trình, cách phân loại, đặc điểm đến ứng dụng.
4. Bí quyết học tốt
* Coi nó là niềm đam mê
Với bất cứ một môn học nào, muốn học tốt thì trước tiên phải có niềm đam mê và yêu thích nó. Đặc biệt môn Sinh lại gắn liền với cuộc sống hằng ngày, chỉ cần để ý một chút, chúng ta có thể học môn Sinh ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, chứ không phải chỉ chăm chăm cầm sách. Ngoài ra, trong bài thi môn Sinh, rất nhiều câu hỏi liên quan đến lý thuyết thực tiễn. Chẳng hạn như trong cuộc sống hằng ngày, việc tìm hiểu về quá trình trao đổi chất, về những lượng vitamin trong các món ăn vừa giúp cho việc học không trở nên khô khan vừa giúp giữ gìn sức khỏe. Với riêng em, môn Sinh còn giúp em thấy cuộc sống thú vị hơn rất nhiều bởi cảm giác được hiểu và khám phá sâu hơn về cuộc sống quanh mình.
- Không nên tạo cho mình áp lực quá nhiều.
"Học nhiều quá cũng không phải là tốt. Xen giữa những giờ học căng thẳng có thể giải trí bằng cách nghe nhạc, luyện tập thể thao để tinh thần phấn chấn. Như vậy học sẽ "vào" hơn rất nhiều".
- Luyện tập nhiều để thành phản xạ
Trong việc làm bài thi môn Sinh, việc nhớ lý thuyết là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhớ không phải là học thuộc lòng mà phải hiểu về các khái niệm nếu không rất dễ bị các câu hỏi "đánh lừa".
- Làm bài thi cần chú ý các câu “cài bẫy”
Môn này thi theo hình thức trắc nghiệm nên mỗi thí sinh cần ghi nhớ các quy định khi làm bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT về việc tô các đáp án đúng.
"Đọc kỹ để xác định đúng câu hỏi, gạch chân các từ "đúng", "sai", "không"... vì có rất nhiều "bẫy" trong phần này. Những câu hỏi này thường không quá khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải thật chú ý, nếu đọc không kỹ chắc chắn sẽ dễ "sập bẫy".