Người lái đò gác mái chèo

Thứ năm - 01/02/2018 12:41
Tác giả: Nguyễn Trí Nghị
Cô Phạm Minh Hằng
Cô Phạm Minh Hằng

Trong cuộc đời mỗi con người ai cũng phải trải qua thời gian học tập, bắt đầu đi làm, thay đổi nơi công tác và kết thúc nơi làm việc. Biết bao kỷ niệm vui buồn, biết bao giờ dạy đã để lại những ấn tượng không thể nào quên. Những buổi dạy đầu tiên đầy bỡ ngỡ đến những ánh mắt đây thân thương của học trò, những đêm dài thao thức bên trang giáo án cũng như những ngày ôn luyện mong sao các em được chắp cánh bay cao, bay xa. Biết bao kỷ niệm vui buồn, … Những năm gắn bó với mái trường, gắn bó với lớp lớp các thế hệ học sinh nhà trường, cô đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảng dạy, giáo dục, góp phần đưa phong trào học tập của nhà trường từng bước đi lên. Nhiều thế hệ học trò của nhà trường đã trưởng thành vẫn luôn ghi nhớ hình ảnh của một cô giáo luôn tận tụy với nghề, luôn hết lòng vì học sinh thân yêu với mong muốn giáo dục dạy dỗ các em trở thành những con người có ích cho xã hội – đó là cô Phạm Minh Hằng –giáo viên văn trường THPT Phú Quốc.
Cô Phạm Minh Hằng sinh ngày 13 tháng 1 năm 1962 trên quê hương hòn đảo ngọc Phú Quốc mến yêu. Xuất thân trong gia đình cách mạng kiên trung, bố từng là hoạt động thành ở Tây Ninh, mẹ từng là Phó Bí thư Huyện ủy Phú Quốc. Từ nhỏ cô đã được sống trong môi trường gia giáo và có lòng nồng nàn muốn đưa quê hương xứ sở đi lên.
Cô kể: Thuở còn cắp sách tới trường, cô rất thích đọc thơ, đọc truyện. Với niềm đam mê văn chương, cô đã không theo sự định hướng con đường chính trị của gia đình mà quyết định theo học Đại học sư phạm văn ở trường Đại học Cần Thơ để trở thành một người giáo viên, với mơ ước đem con chữ về nâng cao dân trí cho con em đất đảo. Đó hẳn là một ước mơ rất giản dị, thiết thực và đáng để chúng ta trân trọng.
Khi học xong sư phạm, năm 1987 cô Phạm Minh Hằng về công tác tại trường Trung học Phổ thông Phú Quốc. Nhớ lại ngày mới về trường, cảm xúc của cô cũng giống như tất cả các giáo viên khác đó là tâm trạng bồi hồi, xúc động và rất hồi hộp của một nữ sinh. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, cô Phạm Minh Hằng đã từng kinh qua nhiều chức vụ và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau trong trường như: Tổ trưởng Tổ khoa học xã hội; Chủ tịch công đoàn; Phó Bí thư Chi bộ; Thủ quỹ…
Cô kể: Hồi mới về trường, đời sống vật chất của giáo chức khổ lắm, ăn uống thì bữa no bữa đói, quần áo thì mặc đi mặc lại chỉ vài bộ sơ mi tối màu. Có lẽ thứ tài sản có giá trị nhất cuả anh em tập thể giáo viên thế hệ đầu đó là chiếc xe đạp của thầy Phạm Kim. Tuy nhiên nó lại không có thắng. Anh em giáo viên khi muốn đi đâu xa thì mượn  xe đạp, trên đường đi muốn dừng lại phải la hét cho họ tránh đường và dùng chân làm thắng.
Kỷ niệm gây ấn tượng lớn nhất và có lẽ không bao giờ quên trong ký ức của cô Hằng đó là hình ảnh “mượn xe kéo ra ngã 5 bán Dừa”. Cô kể: Hồi làm chủ tịch công đoàn, đời sống anh em giáo viên thiếu thốn đủ bề. Do là người địa phương và sự quen biết nhiều của gia đình, cô đã cùng Ban Chấp hành Công đoàn mạnh dạn đi vận động quyên góp từ các mạnh thường quân với mọi thứ có thể được  để về có quà cho giáo viên nhân ngày 20/11. Có dịp, trước 20/11 khoảng 1 tháng, ở khu tập thể cũ (nay sát nhà thầy Kim) ngày nào cô Đỗ Thị Bình cũng ra canh gốc dừa và đếm số lượng dừa. Anh em giáo chức nhà tập thể lúc đó gồm những nhân vật như thầy Tiến, thầy Bảy, thầy Vân, thầy Kim, cô Bình… đã hạ lệnh: Cấm hái dừa. Và rồi đến ngày 20/11, thầy Tiến và cô Bình được lệnh mượn xe kiến an hái dừa và đẩy dừa ra ngã 5 (nay gần Nhà văn hóa) bán. Số tiền được bao nhiêu, cộng với những thứ đi xin được đem chia đều cho giáo viên toàn trường nhân ngày tết Nhà giáo. Thật là một việc làm rất đáng trân trọng của một vị chủ tịch công đoàn luôn chăm lo cho đời sống của anh em.
Một nhà giáo dục học người Nga từng nói: “Thước đo thành công và giá trị của người thầy trong sự nghiệp của mình không phải là quyền lực hay  tiền bạc mà là những dấu ấn để lại trong lòng các thế hệ học trò và trong tình cảm của đồng nghiệp. Mỗi người thầy phải là một bài học sống động về nhân cách và nghị lực để học sinh noi theo” Khi được hỏi dấu ấn lớn nhất của cô trong nghiệp nhà giáo là gì?
Cô suy tư nói: Có lẽ khóa học gây ấn tượng nhất cho cô là niên khóa 1987 – 1990. Lúc đó cô thì hồi hộp mới về trường, trò thì bỡ ngỡ mới vào cấp học mới. Cả 2 phía đều mới nên có nhiều dấu ấn và kỷ niệm. Đến nay khóa học đó đã có rất nhiều người ưu tú có địa vị xã hội lớn ở địa phương và cả nước. Tiêu biểu có anh Huỳnh Quang Hưng – nay là Phó Chủ tịch UBND Huyện Phú Quốc, Chị Đặng Thị Đào – Cán bộ Huyện Phú quốc; Anh Diệp Tấn Hiền – Phó trưởng công an huyện Phú Quốc…;cũng có nhiều người theo nghiệp giáo như cô đó là thầy Nguyễn Đào Vĩnh Huy – trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh; Thầy lương Thanh Sơn – Trường Đại học Ngoại ngữ TP Hồ Chí Minh…. Còn các thế hệ sau này, từng là học trò và nay là đồng nghiệp của cô rất nhiều như: cô Cẩm Hường, thầy Khưu Thạch, cô Kim Thảo, cô Thùy Giang, cô Viễn Trình… trường Phú Quốc, thầy Anh Khoa, cô Trương Vắng trường Dương Đông…
Khi được hỏi: Sắp chia tay với trường, lớp về nghỉ hưu cô có điều gì muốn nói?
Cô cười: Nói thì muốn nhiều lắm, cũng nhân dịp này cô xin chân thành cảm ơn và gửi những lời tri ân tới những người đã từng ươm mầm chắp cánh cho cô thực hiện ước mơ trở thành người giáo viên, đó là cô Châu Mỹ Liên từng là giáo viên dạy văn – chủ nhiệm cô hồi học cấp 2; Thầy Ngô Rạng Đông, thầy Cao Đăng Bảy… là những người thầy có dấu ấn đặc biệt từng dạy cô hồi cấp 3. Cô cũng gửi lời chào tới những người bạn đồng nghiệp già như cô Nguyên, cô Vinh và toàn thể giáo viên của 2 trường THPT Phú Quốc và THPT Dương Đông. Tổng chào tới tất cả những thế hệ học sinh đã và đang cắp sách tới trường.
Trước khi về nghỉ hưu, an nhàn với chồng con, cô Phạm Minh Hằng đã xuất khẩu thành mấy câu thơ mộc mạc:
Ba mươi năm gắn bó mái trường
Ba mươi năm chăm chỉ yêu thương đã nhiều
Giờ đây tuổi đã xế chiều
Thôi về vui với cánh diều tuổi thơ
Không mong ngóng chẳng đợi chờ
Giang tay ngủ giữa đôi bờ lo toan…
Hôm nay nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016, toàn thể giáo viên và học sinh các thế hệ của nhà trường gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới cô Phạm Minh Hằng. Chúc cô về hưu an trí cuộc sống vui vẻ và chan hòa với thôn xóm.
Ba mươi năm lặng lẽ âm thầm
Lái đò, chở đạo đưa Trò qua sông
Con đò đã cập bến hồng
Buông chiều, gác mái thong dong nhẹ nhàng…
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà nghề dạy học được xã hội nhìn nhận như là một sự lựa chọn thứ yếu thì một buổi chia tay như thế này mong rằng sẽ là niềm động viên, tri ân những người đã đi hết con đường sự nghiệp của mình; đủ để khích lệ tinh thần của những người đang và sẽ kế tục sự nghiệp trồng người cao quý, vinh quang nhưng cũng không kém nhọc nhằn và vất vả.
Tác giả: Nguyễn Trí Nghị
 Tags: tác giả

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây