Trường THPT Phú Quốchttp://thptphuquoc.edu.vn/uploads/baner-thpt-phu-quoc.jpg
Chủ nhật - 25/02/2018 22:22
Tác giả: Nguyễn Trí Nghị
Thầy Lê Thanh Vân sinh ngày 10/10/1965 tại Quỳnh Lưu – Nghệ An. Thầy sinh ra trong gia đình trí thức, bố cũng từng là nhà giáo. Học xong bậc phổ thông, anh thanh niên họ Lê thi đậu vào ngành toán trường Đại học Sư phạm Vinh – Nghệ An. Sau 4 năm khổ luyện ở K25 – Toán (1984 – 1988), theo Quyết định điều động tăng cường giáo viên cho miền Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Lê Thanh Vân vác ba lô thẳng đường “Nam tiến”. Tháng 9/1988 thầy có mặt tại Kiên Giang và được phân về công tác ở nơi tận cùng của tổ quốc – nơi thầy chưa bao giờ tưởng tượng được là như thế nào – Đảo Phú Quốc. Nhớ lại lúc có mặt tại Sở Giáo dục tại Rạch Giá, thầy Vân kể: “Học xong đại học, theo lệnh tăng cường của Bộ giáo dục, sinh viên nào cũng hồ hởi, náo nức lên đường. Nhảy lên đoàn tàu Thống Nhất một cảm giác lâng lâng và cứ thế đi chứ chẳng biết nơi mình đến là như thế nào”. Đến sở GD&ĐT Kiên Giang lại được “lệnh” ra công tác tại đảo Phú Quốc. “Tổ quốc gọi thì sẵn sàng!”, nghĩ thế thầy lại lên tàu vượt biển ra khơi. Nói đến đây tâm trạng thầy như bừng lên: “Trời đất! lênh đênh trên biển từ 8h sáng ở cảng Rạch Giá tới 8h tối mới có mặt tại đảo Phú Quốc (chuyến tàu mang số hiệu KG 0016) tưởng chừng như đi lên trời rồi…”. Có lẽ kỷ niệm ngày đầu đặt chân lên đảo không bao giờ thầy quên: “Đặt chân lên đảo, trời mưa tầm tã tối đen như mực, trong phút chốc mọi người di tản đi đâu hết”. Buồn, thất vọng, mất phương hướng và nghẹn ngào trong nước mắt là tâm trạng của bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó. Thầy kể: Thì lúc đó cũng phải bước đi theo con đường mòn, mặc cho phía trước là không biết đi đâu. Cứ thế đi, đến khoảng gần 21h tối như người đuối nước gặp được phao, thấy có một ngôi nhà với ánh đèn dầu đang leo lét. Thầy thẳng tiến vào gõ cửa. Sau khi hỏi thăm ân cần, bà mẹ già ở mảnh đất xứ đảo pha cho thầy một bát mì tôm. Ánh mắt thầy rạng ngời khoe rằng “Hương vị của bát mì cách nay 30 năm mà như mới vừa ăn, có lẽ đây là tô mì ngon nhất trong cuộc đời của thầy!”. Đã lót được cái dạ dày, bà cụ cho thầy ngủ qua đêm, sáng hôm sau bắt xe ô tô lên Dương Đông nhận việc. Ngôi trường cấp 3 Phú Quốc ngày trước tọa lạc ở gần ngã 5 Thị trấn Dương Đông (nay là trường THCS Dương Đông 2). Thầy Vân được phân công dạy các môn khoa học tự nhiên. Sau 1 năm, thầy được điều động đến dạy ở điểm An Thới – trường Cấp 2 – 3 An Thới gần Nhà Thờ hiện nay (thầy Vân đảm nhiên các môn Khoa học tự nhiên, Thầy Nguyễn Văn Đường đảm nhận các môn Khoa học Xã hội). Năm đó, người vợ hiền và là mối tình đầu thời sinh viên – Cô Phan Thị Oanh cũng vào nhận công tác tại trường cấp 3 Phú Quốc. Hai vợ chồng trẻ cùng đứa con thơ gửi lại quê nhà cuộc sống muôn vàn khó khăn thiếu thốn. Đến năm 1991 thầy Vân lại được điều về công tác tại trường THPT Phú Quốc (vị trí ngày nay). Vợ chồng đoàn tụ và ra sức xây dựng cuộc sống mới. Thầy kể, ngoài giờ dạy ở trường, hai vợ chồng còn vào rẫy trồng thêm cọng rau, nuôi thêm đàn heo, bầy gà để tăng thêm thu nhập. Chuyên môn vững vàng và có năng lực tốt, thầy đảm nhận chức vụ Tổ trưởng chuyên môn Tổ khoa học tự nhiên. Đến năm 2006 được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng, từ tháng 9 năm 2007 là Hiệu trưởng và Bí thư Chi bộ (nay là Đảng bộ) trường THPT Phú Quốc. Trong hai nhiệm kỳ trên cương vị là thủ trưởng đã để lại nhiều dấu ấn của thầy Lê Thanh Vân: Đảng bộ nhà trường nay chiếm gần 60% tổng số giáo viên, nhân viên. Hàng năm Đảng bộ luôn được xếp loại trong sạch vững mạnh. Tập thể Hội đồng sư phạm luôn đoàn kết, đồng lòng. Có thể nói cơ sở vật chất của trường đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn (có 22 thạc sĩ/ 89 giáo viên, nhân viên). Tỉ lệ Học sinh đậu các kỳ thi Học sinh giỏi, các kỳ thi Đại học – Cao đẳng, nghiên cứu khoa học… đều nằm trong tốp đầu của toàn tỉnh. Có thể nói trong vai trò là Hiệu trưởng, thầy Lê Thanh Vân đã xây dựng cơ bản về nền tảng cả về cơ sở vật chất và con người để trong thời gian ngắn sắp tới trường THPT Phú Quốc sẽ vươn lên thành trường trọng điểm, phấn đấu đạt Chuẩn Quốc gia đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trên đất đảo thân yêu. Khi nhắc tới thầy Lê Thanh Vân thì mọi người đều nghĩ ngay tới hình dáng của một con người của công việc. Khi nào cũng thấy thầy làm việc và hối thúc mọi người làm việc để đạt kết quả cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do lo lắng cho công việc ở một ngôi trường lớn, nhiều lúc thầy căng thẳng, nóng tính và đôi lúc bột phát “tính Trương Phi”. Tuy nhiên trong cuộc sống đời thường thầy sống rất hòa đồng, giản dị và chân tình. Thế hệ hậu sinh ở trường THPT Phú Quốc thấy rõ hiếm có một thủ trưởng nào lại quan tâm tới cuộc sống đời thường của những giáo viên cấp dưới đến thế. Những lúc chúng tôi gặp khó khăn, thầy thường ân cần, động viên và định hướng để giúp đỡ vượt qua. Có lẽ thầy rất thấu hiểu cuộc sống khó khăn đủ bề của những giáo viên trẻ, đặc biệt là những giáo viên mới ra trường. Trong công việc hàng ngày, chúng tôi thấy rõ thầy Lê Thanh Vân là một con người quyết đoán, giám nghĩ, giám làm và giám chịu trách nhiệm. Thầy luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi được nhận quyết định của Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Kiên Giang về nhận công tác làm Hiệu trưởng tại trường THPT An Thới (Theo quyết định số 1251 – QĐ/SGD&ĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang ngày 16/11/2017), mặc dù cách xa nhà gần 30km, nhưng thầy vẫn vui vẻ không một chút đắn đo. Trong buổi lễ nhận quyết định, thầy có phát biểu rằng: “là một đảng viên, tôi sẵn sàng đảm nhận bất cứ quyết định gì của tổ chức phân công. Ở cương vị nào, làm việc ở đâu tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”. Chia tay với trường cũ, nơi mà thầy gắn bó gần 30 năm, được coi là ngôi nhà thứ hai, thầy Lê Thanh Vân có gửi lời cảm ơn tới toàn thể Hội đồng sư phạm, các quý phụ huynh và toàn thể học sinh các thế hệ đã đồng hành giúp thầy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị trong suốt 10 năm qua, đồng thời nhắn nhủ lại các đồng nghiệp, mong rằng tập thể trường THPT Phú Quốc sẽ luôn mãi là một tập thể đoàn kết, thống nhất và luôn là lá cờ đầu của mọi hoạt động giáo dục trên địa bàn đất đảo. Cuộc đời là những chuyến đi! Chúng tôi, những người đồng nghiệp ở lại và toàn thể học sinh trường THPT Phú Quốc qua các thế hệ, kính chúc thầy Lê Thanh Vân luôn có sức khỏe dồi dào và hoàn thành tốt mọi công việc trên hành trình mà thầy đã và đang đi./.