HƯỚNG DẪN TỰ HỌC MÔN NGỮ VĂN - LỚP 10 (TUẦN 2)

Thứ tư - 19/02/2020 02:40
ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ
(Bình Ngô đại cáo)
                                                                                                      Nguyễn Trãi
PHẦN I: TÁC GIẢ
I – CUỘC ĐỜI
1 – Xuất thân:
- Nguyễn Trãi ( 1380 – 1442), hiệu là Ức Trai.
- Quê gốc ở làng Chi Ngại ( Chí Linh – Hải Dương) sau dời về Nhị Khê ( Thường Tín – Hà Tây).
- Cha là Nguyễn Phi Khanh ( Nguyễn Ứng Long) là người học giỏi, từng đỗ Thái học sinh thời nhà Trần.
- Mẹ là Trần Thị Thái – con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
→ Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình có hai truyền thống lớn: yêu nước và văn hóa văn học.
2 – Những giai đoạn cuộc đời:
- Thuở thiếu thời: chịu nhiền mất mát đau thương.
- Năm 1400, đỗ Thái học sinh và cùng cha ra làm quan dưới triều nhà Hồ.
- Năm 1407, NT từ Đông Quan vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa.
- Năm 1439 xin về ở ẩn tại Côn Sơn.
- Năm 1440, ông được vua Lê Thái Tông vời ra giúp nước.
- Năm 1442, vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, ông bị vu oan và bị tru di tam tộc.
→ NT là một bậc đại anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có, danh nhân văn hóa thế giới đồng thời cũng là con người chịu nhiều nỗi oan khiên thảm khốc nhất trong lịch sử Việt Nam.
II – SỰ NGHIỆP THƠ VĂN
1 – Những tác phẩm chính:
- Tác phẩm viết bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo,…
- Tác phẩm viết bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập
2 – Nguyễn Trãi – nhà văn chính luận kiệt xuất:
- Tác phẩm chính luận tiêu biểu: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo
- Tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong các áng văn chính luận: tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân
→ Đó là nhà văn chính luận bậc thầy với luận điểm vững chắc, lập luận sâu sắc, giọng điệu linh hoạt.
3 – Nguyễn Trãi – nhà thơ trữ tình sâu sắc:
- Tác phẩm: Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập
- Nội dung thơ trữ tình:
+ Lí tưởng của người anh hùng là sự hòa quyện giữa nhân nghĩa với yêu nước, thương dân và vì dân trừ bạo.
+ Yêu sâu sắc thiên nhiên.
+ Đau nỗi đau của con người.
+ Khát khao dân giàu, nước mạnh, yên ấm, thái bình.
+Tình cảm vua tôi, cha con, gia đình, bạn bè, quê hương chân thành đằm thắm,…
- Nghệ thuật:
+ Sáng tạo, cải biến thể loại.
+ Sử dụng hình ảnh quen thuộc, dân dã, cảm xúc tứ thơ tinh tế.
PHẦN II: TÁC PHẨM
I – TÌM HIỂU CHUNG
1 - Hoàn cảnh ra đời:  Đầu năm 1428, sau khi dẹp xong giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi, giao cho NT viết bài cáo để tuyên bố kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình cho đất nước.
2 – Thể loại: thể cáo, viết bằng chữ Hán theo lối văn biền ngẫu.
3 – Ý nghĩa nhan đề: Nhan đề hàm chứa sự khinh bỉ của nhân dân ta đối với lũ giặc phương Bắc và niềm tự hào của người chiến thắng.
4 – Bố cục:
- Phần 1 – Nêu luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến.
- Phần 2 – Bản cáo trạng tội ác của giặc.
- Phần 3 – Quá trình kháng chiến gian khổ và tất thắng của cuộc khởi nghĩa.
- Phần 4 – Tuyên bố chiến thắng, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa.
II – TÌM HIỂU VĂN BẢN
1 – Nêu luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến:
- Luận đề chính nghĩa của Nguyễn Trãi có hai nội dung được nêu lên:
       + Tư tưởng nhân nghĩa :
            ∙ Theo Nho giáo nhân nghĩa là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trên cơ sở tình thương và đạo lí.  
            ∙ Đặt trong hoàn cảnh NT viết BNĐC thì nhân nghĩa là yên dân trừ bạo tức là tiêu trừ tham tàn bạo ngược, bảo vệ cuộc sống yên ổn của nhân dân. Tư tưởng nhân nghĩa mang nét mới, tiến bộ.
       + Chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt. Các cơ sở khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt: thực tiễn lịch sử, chủ quyền, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, nền văn hiến lâu đời, lịch sử riêng, chế độ riêng với “hào kiết đời nào cũng có”.
→Ý thức độc lập dân tộc rất toàn diện và sâu sắc, thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
2 – Bản cáo trạng tội ác của giặc:
- Vạch trần âm mưu xâm lược và luận điệu “ phù Trần diệt Hồ” của giặc Minh vốn sẵn có từ lâu trong đầu óc của thiên triều.
- Lên án, tố cáo chủ trương cai trị thâm độc và vô nhân đạo của kẻ thù: tội diệt chủng, hủy hoại môi trường sống, vơ vét sản vật, bóc lột dã man, diệt sản xuất,…
→ NT đã đứng trên lập trường của dân tộc và lập trường nhân bản để tố cáo, lên án giặc Minh.
- Lời văn trong bản cáo trạng đanh thép, thống thiết: khi uất hận trào sôi, khi cảm thương tha thiết, lúc nghẹn ngào tấm tức,…
3 – Quá trình kháng chiến gian khổ và tất thắng của cuộc khởi nghĩa:
- Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa:
+ Gặp nhiều khó khăn: lúc mới k/n chính là lúc quân thù đang mạnh, quân ta lại thiếu người tài giỏi, thiếu kẻ đỡ đần, thiếu lương thực, ….nên nhiều lúc bị thất bại.
+ Cuộc k/n gắn liền với hình tượng Lê Lợi: hình tượng Lê Lợi có sự thống nhất giữa con người bình thường và lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa.
       ∙ Bình thường từ nguồn gốc xuất thân ( Chốn hoang dã nương mình), đến cách xưng hô cũng khiêm nhường ( xưng là tôi, ta chứ không phải là trẫm)
       ∙ Là người có lòng căm thù giặc sâu sắc ( há đội trời chung, thề không cùng sống); có lí tưởng, hoài bão lớn ( Tấm lòng cứu nước vẫm đăm đăm muốn tiến về đông); có quyết tâm cao để thực hiện lí tưởng ( đau lòng nhức óc, quên ăn vì giận…)
- Giai đoạn sau của cuộc kháng chiến:
             + Tuy gặp khó khăn, thất bại lúc ban đầu nhưng nhờ có tinh thần quyết tâm chiến đấu “ Gắng chí khắc phục gian nan”, được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tướng sĩ trên dưới một lòng, có đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn nên nghĩa quân Lam Sơn ngày càng vững mạnh.
             + Đoạn cáo miêu tả chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn : càng đánh càng chiến thắng vang dội, không có sức mạnh nào có thể ngăn được sự tiến công vang dội như vũ bão của nghĩa quân (Đánh một trận sạch không kình ngạc…..đê vỡ, Ngày mười lăm…cùng kế tự vẫn,…)
            + Đoạn cáo còn miêu tả sự thất bại thảm hại của giặc Minh bằng những từ ngữ, hình ảnh cụ thể đầy gợi tả: nghe hơi mà mất vía, nín thở cầu thoát thân, cùng kết tự vẫn, lê gối dâng tờ tạ tội, trói tay để tự xin hàng,máu chảy thành sông, thây chất đầy nội…
- Nghệ thuật:  thuật lại cuộc k/n bằng bút pháp nghệ thuật đậm chất anh hùng ca
+ Dùng những hình tượng rộng lớn, kì vĩ của thiên nhiên để miêu tả cuộc chiến đấu
+ Ngôn từ đậm chất sử thi
+ Câu văn dài – ngắn, âm thanh giòn giã tạo nên nhịp điệu triều dâng sóng dậy của cuộc chiến
→ Bút pháp anh hùng ca được sử dụng linh hoạt và hiệu quả khiến người đọc vừa hình dung được sự khốc liệt của cuộc chiến vừa tự hào những chiến tích của cha ông, vừa tội nghiệp cho sự ham sống sợ chết đến hèn nhát của kẻ thù.
4 – Tuyên bố chiến thắng, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa:
- Thay mặt Lê Lợi tuyên bố nền độc lập của dân tộc được lập lại
- Rút ra bài học lịch sử:
          + Tuy thay đổi nhưng thực chất là sự phục hưng, là nguyên nhân, là điều kiện thiết lập sự vững bền.
          + Kết hợp sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại.
→ Giọng văn dõng dạc đường hoàng, toát lên sự vui mừng hả hê của một dân tộc đã sống bao năm khốn khổ, dọa đày, nay đã quét sạch quân xâm lược, rửa xong vết nhục ngàn đời để xây dựng một cuộc sống mới.
5 – Kết luận:
* Nội dung:       
ĐCBN đã tố cáo tội ác của kẻ thù, ca ngợi cuộc k/n Lam Sơn. Bài cáo được xem là bản tuyên ngôn độc lập sáng chói tư tưởng nhân nghĩa yêu nước và khát vọng hòa bình, một áng thiên cổ hùng văn của dân tộc.
* Nghệ thuật:
- Bài cáo có sự kết hợp giữa yếu tố chính luận với yếu tố văn chương
- Sử dụng nhuần nhuyễn lối văn biền ngẫu
- Bút pháp đậm chất sử thi với các thủ pháp nghệ thuật so sánh, tương phản, liệt kê; giọng văn biến hóa linh hoạt, hình ảnh sinh động, hoành tráng.
PHẦN III: LUYỆN TẬP
I – ĐỌC HIỂU:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
1)Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

                       (Sông núi nước Nam, SGK, Ngữ văn 7)
(2)“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”

Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi, sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau.
Song hào kiệt đời nào cũng có.”

                   (Đại cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi , Ngữ văn 10, Tập haitr.17-  NXB Giáo dục, 2006)

Câu 1. Nêu nội dung chính của văn bản (1) và (2)?
Câu 2. Giải thích ý nghĩa các từ: Nhân nghĩa, yên dân, trừ bạo trong văn bản (2)?
Câu 3. Xác định điểm giống nhau và khác nhau trong nội dung khẳng định lời Tuyên ngôn độc lập của  2 văn bản trên ?
Câu 4. Từ 2 văn bản, trình bày suy nghĩ của em về ý thức bảo vệ tổ quốc của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay.
II – LÀM VĂN
              Hãy chứng minh Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi là một bản tuyên ngôn nhân nghĩa, là một bản cáo trạng đanh thép bọn xâm lược nhà Minh qua đoạn trích sau:
Từng nghe:
                           Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
                           ...................................................
                              Ai bảo thần dân chịu được.
                                                         (Trích Ngữ văn 10, tập 2)



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây