SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO KIÊN GIANG
TRƯỜNG THPT PHÚ QUỐC
Số: /KH- THPT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phú Quốc, Ngày 05 tháng 01 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC HỘI THI LÀM ĐỒ DÙNG DẠY HỌC
NĂM HỌC 2017 - 2018
Thực hiện nhiệm vụ năm học và kế hoạch chuyên môn của nhà trường năm học 2017 – 2018;
Cụ thể hoá kế hoạch Đổi mới PPDH và ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học.
Trường THPT Phú Quốc xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội thi làm đồ dùng dạy học (ĐDDH) năm học 2017 – 2018 với các nội dung như sau:
I. Mục đích – Yêu cầu
- Động viên giáo viên trong trường tự làm đồ dùng, thiết bị dạy học để bổ sung thêm vào danh mục ĐDDH hiện có của nhà trường, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học;
- Tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính sáng tạo trong nghiên cứu, cải tiến các ĐDDH hiện có hoặc tự làm thêm ĐDDH cần thiết trong công tác giảng dạy;
- Qua Hội thi, chọn những sản phẩm tiêu biểu để phổ biến rộng rãi trong từng bộ môn, xét trao giải thưởng, lựa chọn tham gia Hội thi cấp tỉnh. Đồng thời xem đây là một tiêu chí đánh giá xếp loại giáo viên cuối năm, xét các danh hiệu thi đua của cá nhân, của tổ chuyên môn.
II. Nội dung cụ thể
1. Đối tượng dự thi: Toàn bộ giáo viên trong nhà trường
2. Sản phẩm dự thi
Mỗi giáo viên có thể dự thi nhiều ĐDDH, các sản phẩm dự thi phù hợp với nội dung chương trình dạy học của từng khối lớp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
3. Nội dung và hình thức các sản phẩm dự thi
- Vận dụng kiến thức, kinh nghiệm kỹ thuật để cải tiến các ĐDDH đã sản xuất và lưu hành trên thị trường nhằm đạt hiệu quả cao hơn khi sử dụng vào công việc dạy học.
- Sử dụng các vật liệu rẻ tiền sẵn có, linh kiện đơn giản để làm các ĐDDH mới có giá trị trong dạy học.
- Sáng tạo các loại ĐDDH mới thuộc bất kỳ loại hình nào (tranh ảnh, phim, băng ghi âm, ghi hình, các loại phần mềm, chương trình vi tính, mẫu vật, dụng cụ, mô hình, máy móc…..) thiết thực phục vụ dạy và học.
- Các sản phẩm về ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý, trong công tác dạy học (thí nghiệm ảo, thí nghiệm minh họa, tranh ảnh, sơ đồ, phim…)
4. Chuẩn đánh giá
4.1. Tính sư phạm: Hỗ trợ cho giáo viên trong việc truyền thụ kiến thức khoa học chính xác và tiện lợi, giảm được sức lao động trong giảng dạy. Giúp cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng, khắc phục sâu kiến thức và gây hứng thú trong học tập.
4.2. Tính kỹ thuật: ĐDDH tự làm cần phải đảm bảo nguyên lý cấu tạo; tính đơn giản khi lắp ráp; tính bền chắc và tính chính xác khi vận hành, an toàn khi sử dụng.
Bộ ĐDDH sử dụng cho nhiều bài học phải có sự sắp xếp hợp lý, thuận tiện khi sử dụng, kiểm tra và bảo quản. Có tài liệu hướng dẫn sử dụng kèm theo.
4.3. Tính mỹ thuật: ĐDDH tự làm có kích thước phù hợp, tiện lợi khi sử dụng, hình thức đẹp, hài hòa về màu sắc, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, tác động mạnh đến nhận thức của học sinh.
4.4. Tính kinh tế: ĐDDH được làm bằng nguyên liệu dễ tìm, dễ mua, dễ thay thế, giá thành thấp, có thể phổ biến rộng rãi để giáo viên tự làm được.
4.5. Tính sáng tạo: sản phẩm dự thi phải mới về loại hình, nội dung, cơ cấu; chưa ai làm ra hoặc đã sản xuất ứng dụng hoặc được cải tiến từ mẫu ĐDDH đã được sản xuất ứng dụng trước đây nhưng có tính giáo dục tốt, kỹ thuật cao, tiện dụng…
Các tiêu chí trên có sự liên quan mật thiết với nhau, do đó trong quá trình đánh giá, Hội đồng sẽ có sự vận dụng linh hoạt để xếp loại một cách chính xác.
5. Thang điểm xếp loại
5.1 Thang điểm
- Tính sư phạm: 07 điểm
- Tính kỹ thuật: 03 điểm
- Tính mỹ thuật: 03 điểm
- Tính kinh tế: 03 điểm
- Tính sáng tạo: 04 điểm
5.2 Xếp loại
Loại A: Từ 17 đến 20 điểm
Loại B: Từ 14 đến dưới 17 điểm
Loại C: Từ 12 đến dưới 14 điểm
Loại KK: Từ 10 đến dưới 12 điểm
6. Địa điểm tổ chức báo cáo: Hội trường
7. Cách thức báo cáo
- GV nhận địa điểm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
- Mỗi sản phẩm dự thi có1 bản thuyết minh về số kinh phí để làm ĐDDH. Và 1 bảng thuyết minh sản phẩm ghi các thông tin sau: Tổ chuyên môn, giáo viên, công dụng chủ yếu của thiết bị, vật liệu… (đánh máy in trên trang giấy A4, pho to nộp cho BGK).
- Tác giả có 5 đến 7 phút để thuyết minh sản phẩm trước giám khảo, sau đó hội đồng sẽ đặt câu hỏi để người trình bày giải đáp.
8. Kinh phí tổ chức
a. Giải thưởng
Tùy theo kết quả thực tế, kinh phí để làm ĐD, TBDH ban tổ chức dự kiến trao các giải sau:
* Giải tập thể: 500.000đ – Tổ xuất sắc nhất
400.000đ - Tổ xuất sắc nhì
* Giải cá nhân: - Giải nhất: 500.000/giải
- Giải nhì: 400.000/giải
- Giải ba: 300.000/giải
- Giải KK: 200.000/giải
* Những sản phẩm đạt giải, được nhà trường gửi dự thi cấp Tỉnh sẽ được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện. Nhà trường sẽ trao thêm phần thưởng nếu đạt giải cấp Tỉnh.
* Nguồn chi: Từ nguồn quỹ khen thưởng hoặc Hội khuyến học
b. Kinh phí tổ chức: thực hiện theo quy định hiện hành
9. Đăng ký dự thi
Các tổ chuyên môn lập danh sách dự thi (đối với các tổ có nhiều môn, mỗi bộ môn nên có ít nhất 1 sản phẩm dự thi) lập danh sách gửi về cô Tuyết Nga.
- Thời gian nộp danh sách sản phẩm: ngày 19/01/2018
- Chấm sản phẩm: ngày 20/01/2018
Đây là một hoạt động trọng tâm nhằm thực hiện việc “bảo quản tốt và sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học” theo yêu cầu của Sở; là cơ sở để tạo nguồn tham gia Hội thi ĐD, TBDH cấp tỉnh; nhà trường yêu cầu các tổ chuyên môn tổ chức thực hiện nghiêm túc, xem đây là một tiêu chí quan trọng để xếp loại, đánh giá CBGV, xét các danh hiệu thi đua vào cuối năm. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc thì liên hệ với Ban giám hiệu để được giải đáp, trao đổi hướng dẫn thực hiện.
Nơi nhận:
- Sở GD-ĐT (để b/c);
- BGH (để c/đ);
- Công đoàn, Đoàn trường (để p/h);
- Các tổ chuyên môn (để t/h);
- Lưu VT./. |
Ký thay HIỆU TRƯỞNG
PHÓ HIỆU TRƯỞNG
Trần Thị Tuyết Nga |
Chi tiết tải về tại file đính kèm