Cẩn trọng với "Hiệu ứng đám đông"

Thứ bảy - 15/09/2018 07:46
Tác giả: Trương Thị Hoa - GV Ngữ Văn
Cẩn trọng với "Hiệu ứng đám đông"
Phải đi qua những năm dài tháng rộng của cuộc đời, phải có thói quen tìm hiểu sự vật và hiện tượng xảy đến với mình bằng chính bản chất của nó, chúng ta mới nhận ra rằng: để nhìn rõ cuộc sống ngoài kia, để hiểu tường tận những sự kiện của xã hội, chúng ta cần nhìn vấn đề bằng chính hiểu biết và tiếng nói của chính mình.
Từ quá khứ…
Ngày trước, quân sư Nguyễn Trãi từng nói “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Tư tưởng lấy dân làm gốc của Cụ thật sự tiến bộ, nhân văn, dù là những tháng ngày làm quan hoặc đã về quy ẩn ở Côn Sơn, Cụ cũng chỉ tâm niệm “người quân tử phải lo trước nỗi lo thiên hạ, vui sau niềm vui thiên hạ. Bởi đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Sau này, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng là một người có tư tưởng thân dân, gần gũi với nhân dân. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Bác cũng lắng nghe những mong muốn, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết thảy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu – Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bây giờ đây, những người đương nhiệm của nước mình cũng vẫn giữ gìn tư tưởng thân dân kia. Từ trong lịch sử chúng ta biết dân tộc ta nghèo nàn, người nông dân ít học, nhưng chúng ta vẫn thấy, người Việt vẫn biết phán đoán đúng sai, biết hy sinh quyền lợi cá nhân để đề cao tập thể. Tất cả bề dày văn hóa sống ấy, đến nay, vẫn còn giá trị.
Chỉ là bây giờ đây, chúng ta đang chạy theo đám đông và cho rằng “dư luận là chúa tể của thế gian”…
Liệu rằng chúng ta có đang lầm tưởng giữa sức mạnh của tập thể và lợi ích nhóm, khi mà chúng ta đã đặt niềm tin quá mức vào sự đúng đắn của cái gọi là “văn hóa đám đông”. Thế nên, chỉ cần thấy ai đó chia sẻ, bình luận một vấn đề xã hội gì đó, dù là chưa kịp kiểm chứng, đúng sai, chúng ta, những người đang sống trong xã hội công nghệ cũng vội vã, bấm nút like hoặc chia sẻ ngay sau đó. Chúng ta có biết đâu, những khi ta vô tâm trên bàn phím, nó cũng có thể ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Chúng ta có biết đâu, những thứ chúng ta chia sẻ, bình luận, có thể đánh mất đi những điều tốt đẹp trong văn hóa ứng xử giữa người với người. Từ hậu quả của việc đập phá, gây mất trật tự của những nhóm người quá khích đến việc các thế lực phản động lợi dụng mạng xã hội để xúi dục, thậm chí là mua chuộc nhân dân để chống phá Nhà nước thông qua dự luật Đặc khu…. Qua đó chúng ta thấy được hậu quả khôn lường của việc chia sẻ những thông tin thất thiệt, bịa đặt trên mạng xã hội. Đáng buồn trong số ấy có cả những người có học vấn cao, có sự hiểu biết rộng và được xếp vào hàng những người tri thức….
Mới đây, chúng ta lại ngỡ ngàng khi thấy, nhiều người dùng những lời lẽ khó nghe để chửi bới, moi móc, trù dập…một cô giáo dạy lớp 1 khi cô ấy đang cố hướng dẫn phụ huynh cách dạy của sách giáo khoa trong chương trình dạy theo Công nghệ giáo dục. Thấy thật đau lòng, bởi xét ở góc độ ngôn ngữ, chúng ta chưa đủ trình độ hiểu biết để cho rằng cách dạy ấy không khoa học. Bởi xét từ góc độ văn hóa của người Việt, truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp đang ngày một bị xâm hại nghiêm trọng từ chính chúng ta - những người lớn!
Hãy có tinh thần độc lập để không là nô lệ của dư luận….
Suy xét kĩ lưỡng, tường tận tất cả những gì người ta chia sẻ trên mạng, bởi cũng không ít người họ làm việc ấy vì lợi ích riêng của mình, hoặc của một ai đó. Thành thử, mọi thứ trên ấy, không phải bao giờ cũng chính xác tuyệt đối, cũng là chân lý, cũng là tối ưu. Đừng biến mình trở thành một con người vô cảm, thiếu hiểu biết khi đưa tay bấm nút, hoặc chia sẻ những điều chưa kịp kiểm chứng. Khi chúng ta làm điều ấy, nghĩa là chúng ta đã gián tiếp biến mình trở thành nô lệ cho “tâm lý đám đông”. Thậm chí những bình luận thô tục, những trào lưu ném đá, chê bai, mắng nhiếc một ai đó trên mạng cũng gây ra những tổn thương đau đớn cho những người bị chia sẻ….
Độc lập trong suy nghĩ, phán đoán, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác rồi hãy bình luận. Lời nói, cũng có thể giống như mật ong, ngọt ngào, là liều thuốc trị bệnh. Nhưng lời nói cũng có thể xem như là nọc của con rắn độc, nó có thể giết chết con người…
                                                                            
Tháng 9/2018
 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay1,726
  • Tháng hiện tại164,684
  • Tổng lượt truy cập11,137,638
Một số hoạt động
Liên kết website
SO GD KIÊN GIANG
UBND TP. PHÚ QUỐC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây